Vào lúc 14h00 ngày 23 tháng 01 năm 2008, tại Hội trường A1 Công viên văn hóa (CVVH) Đầm Sen đã diễn ra buổi “Báo cáo kết quả chương trình học tập phục vụ cộng đồng” của sinh viên Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP. HCM. Hoạt động này nằm trong chương trình hợp tác của trường ĐH KHTN TP. HCM với ĐH Portland Hoa Kỳ cùng thực hiện phương pháp dạy và học mới – Community-based Service Learning.
Quang cảnh buổi báo cáo
Thành phần trong buổi báo cáo gồm có: Ban giám đốc và nhân viên CVVH Đầm Sen, TS. Phùng Thúy Phượng – giảng viên Khoa Sinh ĐH KHTN đồng thời là phó chủ nhiệm chương trình, cô Anna Peeples – Đại diện phía ĐH Portland, các thành viên TT nghiên cứu cải tiến phương pháp dạy và học đại học (CEE) thuộc trường ĐHKHTN, cùng với khoảng 30 em sinh viên tham gia chương trình học tập này. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của một số phóng viên báo đài trong nước đến đưa tin.
Mô hình CVVH Đầm Sen được nhóm SV thiết kế rất công phu
Chương trình của buổi làm việc gồm có 5 báo cáo, trong đó 4 báo cáo của sinh viên trường ĐH Khoa học tự nhiên TP. HCM (UNS) và 1 báo cáo của đại diện trường ĐH Portland (PSU). Năm báo cáo đó là:
- Khảo sát cảnh quan và môi trường tại CVVH Đầm Sen
- Khảo sát hiện trạng và đề nghị hướng xử lý hóa chất thải rắn tại CVVH Đầm Sen
- Nguồn gốc ô nhiễm nước hồ tại CVVH Đầm Sen
- Trình diễn mô hình minh họa về nguồn gốc ô nhiễm nước hồ tại CVVH Đầm Sen
- Công viên thân thiện với môi trường điển hình ở Hoa Kỳ
Sinh viên đang trình diễn mô hình nguồn gây ô nhiễm nước hồ
Các báo cáo trình bày một cách sinh động, với nhiều hình ảnh và số liệu chi tiết mà các sinh viên đã thu thập trong suốt 1 tháng thực tập tại đây. Nội dung bài báo cáo cũng chính là nội dung mà các sinh viên đã được học trên lớp trong môn học Xử lý nước thải và Khoa học môi trường do TS. Phùng Thúy Phượng đứng lớp giảng dạy. Một điểm mới mà phương pháp học tập phục vụ cộng đồng mang lại so với các phương pháp học tập truyền thống hiện nay đó chính là các kiến thức học tập và thực tập của sinh viên đều được vận dụng vào thực tế cuộc sống, đặc biệt các kết quả đó được nơi sinh viên thực tập tiếp thu, chọn lọc và sử dụng, trên tinh thần tất cả vì mục tiêu phục vụ cộng đồng.
Trong năm báo cáo thì báo cáo bằng mô hình nguồn gốc gây ô nhiễm nước hồ làm hội trường sôi động hơn cả. Bằng sự khéo léo và tỉ mỉ của mình, các sinh viên đã dựng lại một mô hình các hồ nước ở CVVH Đầm Sen thu nhỏ bằng mút xốp với kích cỡ 1m x 1,5m giống như thật, cũng có nước, có cây, có khu vườn thú,… Thông qua mô hình
túi khí này, các sinh viên trình diễn cho mọi người thấy được trực quan sinh động về nguồn gây ô nhiễm nước hồ, với sự di chuyển của màu nước, của lá cây, cát bụi, rác, .... Mô hình này sau đó được TS. Phùng Thúy Phượng trao tặng lại cho Ban giám đốc CVVH Đầm Sen nhằm mục đích tuyên truyền về môi trường cho du khách mỗi khi đến với Đầm Sen.
TS. Phùng Thúy Phượng và Anna Peeples giới thiệu về các mô hình công viên ở Mỹ
Một điều lý thú nữa là sau mỗi báo cáo đều có sự thảo luận và đóng góp ý kiến sôi nổi từ phía Ban giám đốc và nhân viên CVVH Đầm Sen. Với những kinh nghiệm thực tế trong quản lý và điều hành của mình, Ban giám đốc công viên văn hóa Đầm Sen bày tỏ sự trân trọng các kết quả khảo sát và phân tích của các sinh viên, thấy được những mặt còn hạn chế của công viên ở khía cạnh môi trường, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn cũng như các kết quả mà công viên đã đạt được trong thời gian qua. Ban giám đốc mong muốn có sự hợp tác lâu dài với trường ĐH KHTN theo chương trình học tập phục vụ cộng đồng này, để từng bước nâng cao chất lượng môi trường sinh thái của công viên, để CVVH Đầm Sen mãi là nơi vui chơi giải trí lành mạnh và là lá phổi xanh của TP. HCM.